Review Furiosa: A Mad Max Saga – siêu phẩm hành động tiếp nối thành công của thương hiệu đình đám Mad Max.
Mad Max là một trong những thương hiệu hành động đình đám với tuổi đời hơn 40 năm của Hollywood. Bộ phim đầu tiên ra mắt năm 1979, mở ra một thế giới phản địa đàng giả tưởng đầy hấp dẫn. Dù nội dung gây tranh cãi vì quá nhiều cảnh bạo lực, tác phẩm được giới phê bình khen ngợi hết lời vì tính sáng tạo và tiên phong trong phong cách làm phim. Mad Max cũng lập kỷ lục Guiness là dự án điện ảnh lãi nhất lịch sử thế giới lúc đó khi thu về 100 triệu USD trong khi ngân sách chỉ vỏn vẹn 380.000 USD.
Phần 2 – The Road Warrior (1981) – được xem là tác phẩm kinh điển trong dòng phim lấy bối cảnh thế giới phản địa đàng, với hàng loạt chi tiết giả tưởng cực kỳ điên rồ. Trong khi đó, phần 3 Thunderdome (1985) được xem là dự án mang quy mô bom tấn Hollywood đầu tiên của thương hiệu, gây tranh cãi về chất lượng nhưng được đông đảo người hâm mộ của loạt phim yêu mến.
Mad Max chỉ chính thức trở lại từ Fury Road (2015), với dàn sao đình đám Tom Hardy và Charlize Theron đóng chính. Bộ phim gây chấn động toàn cầu nhờ phần hình ảnh choáng ngợp, hàng loạt phân cảnh hành động mãn nhãn. Và sau gần 9 năm, thương hiệu này tiếp tục đem đến một câu chuyện mới, lần này xoay quanh thời trẻ của nhân vật nữ cường Furiosa.
Câu chuyện hào hùng về quá khứ của Furiosa
Kịch bản phim bắt đầu từ khi Furiosa chỉ mới là 1 đứa trẻ (phiên bản thời thơ ấu do Alyla Browne đóng) sống ở vùng xanh, nơi hiếm hoi vẫn còn sự phát triển của cây cối cùng nguồn nước không quá khan hiếm. Trong một cuộc dạo chơi, nữ chính rơi vào tay của đám tay sai của tên bạo chúa Dementus (Chris Hemsworth), kẻ sau đó ra tay sát hại mẹ của cô bé. Cũng từ đây, cô được chứng kiến những cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các ông trùm của vùng đất The Wasteland.
Một ngày, Furiosa trở thành món hàng để trao đổi giữa Dementus và Immortan Joe – phản diện trong Fury Road. Khi lớn lên, cô gái – lúc này do Anya Taylor-Joy hóa thân – trở thành 1 nhân viên trên đoàn xe vận chuyển lương thực và nhiên liệu của vùng Citadel. Được tôi luyện trong hoàn cảnh khó khăn, Furiosa bây giờ đã là một chiến binh tinh nhuệ và quả cảm. Số mệnh một lần nữa đưa đẩy cô gặp lại tên bạo chúa Dementus, dẫn đến 1 hành trình trả thù đầy đau thương và mất mát của nữ chính.
Câu chuyện xoay quanh hành trình trưởng thành của Furiosa, nữ chiến binh được yêu thích của thương hiệu Mad Max.
Vẫn được xây dựng theo mô-típ “road movie” như phần phim trước, Furiosa theo chân nhân vật chính trên hành trình từ lúc nhỏ cho đến biến cố xa gia đình và phải tìm cách sinh tồn giữa vùng The Wasteland hỗn loạn. Tuy nhiên, kịch bản lần này được xây dựng theo phong cách truyền thống hơn, được chia thành nhiều chương hồi để kể về xuất thân của nữ chiến binh đáng gờm bậc nhất thương hiệu Mad Max.
Qua chuyến đi của Furiosa thời thơ ấu, khán giả cũng có cơ hội khám phá và hiểu rõ hơn về vùng The Wasteland, nơi bị những lãnh chúa như Dementus hay Immortan Joe phân chia để cai trị. Tại đây, những cá thể như Furiosa cũng vô tình bị cuốn theo những cuộc chiến tranh giành đất đai và tài nguyên như vậy. Trong hoàn cảnh hỗn loạn đó, nữ chính xuất hiện một cách ngoan cường và bất khuất như một cây xương rồng giữa sa mạc. Cả 2 phiên bản Furiosa của Anya Taylor-Joy và Alyla Browne đều phần nào khiến khán giả thêm say mê nhân vật nữ cường đình đám.
Một phiên bản tiền truyện xứng tầm với Fury Road
Điểm hấp dẫn đặc biệt của thương hiệu Mad Max chính là gu thẩm mỹ vừa độc đáo, vừa kỳ quái của ekip do đạo diễn gạo cội George Miller lãnh đạo. Bối cảnh phản địa đàng, nơi nền văn minh nhân loại gần như sụp đổ, tiếp tục được xây dựng một cách xuất sắc ở phần này. Khán giả tiếp tục được chìm đắm với mảnh đất The Wasteland khắc nghiệt nhưng ẩn chứa vô vàn điều thú vị.
Giống Fury Road, Furiosa cũng có thể được xem là kiệt tác ở khâu thiết kế sản xuất. Từng đạo cụ, trang phục, bối cảnh trong phim đều được đầu tư một cách tỉ mỉ, đẹp mắt. Ở phần này, George Miller cũng dùng nhiều cú máy góc rộng cùng sự hỗ trợ của công nghệ CGI để đem đến nhiều cảnh toàn hùng vĩ hơn.
Các cảnh hành động trong Furiosa cũng đem đến nhiều làn gió mới mẻ so với phần trước. George Miller tiếp tục cho thấy bản thân là bậc thầy trong việc dàn dựng những cảnh rượt đuổi, cháy nổ. Đặc biệt, những phân đoạn chiến đấu bằng motor của các nhân vật trong Mad Max luôn cực kỳ gay cấn, khiến khán giả khó lòng ngồi yên trên ghế. Furiosa cũng mang đến nhiều mô-típ nhân vật mới như đoàn quân lái xe phân khối lớn của Dementus, những tên lính dù cướp đường… làm phong phú thêm thế giới vốn đầy rẫy những kẻ kỳ quái ở Fury Road.
Dàn diễn viên mới được giới thiệu cũng để lại dấu ấn nhất định trong phần này. Trong đó, hai phiên bản Furious do Anya Taylor-Joy và Alyla Browne thể hiện đều tỏa sáng rực rỡ. Nếu bản lúc nhỏ là một cô gái thông minh và nhanh nhẹn, nữ chính khi trưởng thành lại là một thiếu nữ đẹp hút hồn dù trải qua nhiều sóng gió cuộc đời. Chris Hemsworth cũng có một vai diễn được xem là tiêu biểu trong sự nghiệp khi hóa thân kẻ phản diện tàn độc, bất chấp mọi thủ đoạn với tính cách có phần ngổ ngáo.
Chris Hemsworth có vai diễn đột phá trong sự nghiệp.
Một điểm đáng tiếc duy nhất của Furiosa chính là ra đời sau một Fury Road quá thành công và khó lòng thoát khỏi cái bóng quá lớn đó. Bộ phim hấp dẫn, đáng nhớ nhưng khó lòng tạo lại cảm giác vỡ òa cho khán giả như phần trước. Tuy nhiên, đây vẫn có thể xem là một bom tấn không thể bỏ qua với khán giả trong mùa phim hè Hollywood năm nay.
Chấm điểm: 4/5
Nhìn chung, Furiosa là một phần tiền truyện xứng đáng để tiếp nối thành công vang dội của Mad Max: Fury Road, tác phẩm từng thắng 6 giải Oscar. Quy mô sản xuất và mức độ hấp dẫn của phim đủ sức xóa mờ hàng loạt những bom tấn hành động đình đám khác của Hollywood như Fast & Furious hay Mission: Impossible. Sự độc đáo trong khâu thiết kế sản xuất và những màn chiến đấu độc đáo, mới lạ vẫn linh hồn của thương hiệu phim. Và đạo diễn George Miller vẫn cho thấy mình đang ở đỉnh cao phong độ dù đã ở tuổi 79.
“kenh14”