Cùng chúng tôi điểm mặt dàn quái vật gây ám ảnh trong bom tấn kinh dị Alien: Romulus (Quái vật không gian: Romulus) nhé!
Ra mắt từ năm 1979, Alien là một trong những tượng đài phim kinh dị Mỹ với lượng fan đông đảo. Những con quái vật khát máu trong series này trở thành một phần của văn hóa đại chúng khi xuất hiện trong hàng loạt tác phẩm điện ảnh, truyền hình và trò chơi điện tử…
Sau 7 năm vắng bóng, chúng một lần nữa trở lại với Alien: Romulus (Quái vật không gian: Romulus). Bom tấn kinh dị do Fede Álvarez đạo diễn theo chân theo chân một nhóm nhân vật trẻ trên hành trình khám phá trạm vũ trụ bỏ hoang. Thế nhưng, thứ mà họ không ngờ phải đối mặt lại là những con quái vật khát máu.
Facehugger (Thể bám mặt)
Facehugger (Thể bám mặt) là sinh vật đầu tiên mà nhóm nhân vật chính chạm trán. Loài quái vật với ngoại hình gớm ghiếc này đã ra mắt khán giả ngay từ phần phim Alien năm 1979. Hình ảnh những con Facehugger ẩn nấp dưới mặt nước hay góc khuất rồi nhảy vào mặt nạn nhân khiến nhiều người phải rùng mình.
Cơ chế tấn công của Facehugger là bám chặt vào mặt vật chủ, đồng thời xâm nhập bộ gene và kiểm soát sự trao đổi chất. Facehugger sẽ cấy một ấu trùng Chestburster vào bên trong nạn nhân qua một chiếc vòi đâm thẳng xuống cổ họng. Thay vì khiến con mồi ngạt thở, nó sẽ cung cấp oxy cho vật chủ cho tới khi hoàn thành công đoạn cấy phôi.
Việc cố gắng tách Facehugger ra khỏi nạn nhân khi nó đang cấy phôi gần như là vô ích. Bởi lẽ, nó có thể dùng đuôi siết chặt hoặc thậm chí bẻ gãy cổ của vật chủ. Máu của Facehugger cũng là axit với tính ăn mòn cực cao. Một đặc điểm khác về Facehugger được tiết lộ trong Alien: Romulus là chúng không phát triển thị giác mà chỉ phát hiện con mồi qua âm thanh hoặc cảm nhận nhiệt độ.
Chestburster (Thể phá ngực)
Chestburster (Thể phá ngực) đúng như tên gọi, sẽ phá vỡ lồng ngực của vật chủ để tiến ra ngoài. Cụ thể, ấu trùng này sau khi được cấy bởi Facehugger sẽ nhanh chóng phát triển và chui ra ngay từ trong cơ thể của nạn nhân, tạo nên những thước phim ám ảnh, kinh dị.
Cách tiến hóa dã man, đầy máu me của Chestburster được đạo diễn Fede Álvarez tái hiện cực kỳ chi tiết trong Alien: Romulus, khiến người xem ám ảnh khi chứng kiến. Trong phim, cô nàng Navarro đã phải bỏ mạng không lâu sau khi Facehugger thành công cấy phôi vào trong cơ thể và để Chestburster phá lồng ngực chui ra.
Xenomorph
Xenomorph có thể coi là “gương mặt thương hiệu” của vũ trụ Alien. Nó là hình thái tiến hóa hoàn chỉnh Chestburster sau khi phá lồng ngực nạn nhân và chui ra. Một con Xenomorph trưởng thành cao khoảng 2-3 m, với chiều dài khoảng 5-6 m tính cả đuôi. Chúng là một “cỗ máy sinh học” hình thù ghê rợn với chiếc đầu dài quái đản, hàm răng lởm chởm cùng chiếc đuôi sắc nhọn có thể kết liễu nạn nhân trong chớp mắt.
Máu của Xenomorph cũng là axit đậm đặc, với màu xanh vàng đặc trưng, đủ sức làm tan chảy mọi thứ mà nó tiếp xúc. Ngoài chiếc đuôi, con quái vật này còn sử dụng chiếc lưỡi, hoạt động như một “mũi khoan” với sát thương đáng gờm, có thể phá vỡ kính hay thậm chí xuyên thủng sọ người.
Xenomorph đã tiến hóa để có thể di chuyển cực kỳ linh hoạt ở nhiều loại địa hình. Chúng cũng sở hữu một bộ não thông minh, biết cách “săn theo đàn” chứ ít khi hoạt động riêng lẻ. Xenomorph trong phần phim mới có sự thay đổi ít nhiều về ngoại hình với phần đầu hình vòm, hộp sọ hơi lộ ra và có hốc mắt bên dưới. Nó có da thịt hơn và chảy nước dãi, gợi nhớ đến phiên bản Alien: Resurrection (1997).
Cũng trong Alien: Romulus, một hình thái mới của lũ quái vật không gian được giới thiệu khiến người xem kinh hãi. Cụ thể, theo lời một android trên trạm vũ trụ bỏ hoang, họ từng tiến hành nghiên cứu mẫu chất lỏng thử nghiệm được chiết xuất từ máu Xenomorph, gọi là chủng Prometheus. Hợp chất này được cho là sẽ giúp con người tiến hóa thành những sinh vật “hoàn hảo”.
Bị thương nặng do Xenomorph tấn công, cô nàng Kay đang mang bầu đã liều lĩnh tiêm loại chất lỏng kia vào cơ thể. Kết quả, cô đẻ ra một cái phôi mà sau đó đã nở thành một quái vật lai người và Xenomorph. Sinh vật lai tạp với hình dáng kinh dị này khiến người xem lạnh tóc gáy.
Nguồn: Znews