Những cuộc chiến cam go máu lửa, những cuộc đối đầu nghẹt thở giữa xe tăng, súng đạn … khiến người xem không thể rời màn hình cho đến khi bộ phim kết thúc. Cùng phimmyhd.com điểm mặt kể tên 10 bộ phim chiến tranh Mỹ hay nhất mọi thời đại nhé!
Black Hawk Down (2001): Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết chiến tranh cùng tên của Mark Bowden, bộ phim từng là “bệ phóng” cho nhiều ngôi sao hạng A như Eric Bana, Ewan McGregor, William Fichtner… Black Hawn Down thành công trong việc dung hòa yếu tố nhân văn và những cảnh hành động ác liệt trong cuộc chiến giữa 123 binh sĩ Mỹ và phiến quân Somali, được nhiều nhà phê bình đánh giá là bộ phim chiến tranh hấp dẫn nhất đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên phim vẫn bị tẩy chay bởi chính quyền Somali, vì họ cho rằng nó “phản ánh không đúng sự thật”.
Downfall (2004): Tái hiện lại 10 ngày cuối đời của Quốc trưởng Hitler cũng như bộ sậu phát xít trước đợt tổng tấn công cuối cùng của phe Đồng Minh, Downfall gây ấn tượng bởi nó khai thác câu chuyện theo hướng cảm thông hóa, lột tả những phẩm chất tốt đẹp cũng như nỗi tiếc nuối của kẻ tội đồ thế kỷ thay vì phán xét hắn. Hình tượng nam diễn viên Bruno Ganz trong bộ dạng khắc khổ pha chút thăng trầm của Adolf Hitler cũng được đánh giá là tạo hình điện ảnh chân thực nhất của Quốc trưởng Đức Quốc xã từ trước tới nay.
Jarhead (2005): “Jarhead” là một từ lóng để chỉ những binh sĩ hải quân thuộc lực lượng quân đội Hoa Kỳ, và bản thân bộ phim dựa trên quyển hồi ký có thật về cuộc đời của cựu binh Anthony Swofford. Nhân vật này trên phim do diễn viên điển trai Jake Gyllenhaal thủ vai, và nó cũng là một trong những đòn bẩy giúp anh lên hàng sao quốc tế. Qua những dòng hồi tưởng và những gì được truyền tải trên phim, kẻ thù lớn nhất của Anthony Swofford không phải ở bên ngoài, mà trú ngụ ngay bên trong tâm hồn anh với tên gọi là “cô độc” và “chán chường”.
Flags of Our Fathers (2006): Là một trong hai tập phim song hành, khắc họa cuộc chiến tại đảo Iwo Jima giữa phe Đồng Minh và phát xít Nhật trong Thế chiến thứ II của đạo diễn Clint Eastwood, Flags of Our Fathers được kể từ góc nhìn của sáu binh sĩ Mỹ giương cờ giữa chiến trường và góp phần thay đổi cục diện trận đánh. Tuy không thành công trên “chiến trường” phòng vé, nhưng bộ phim cũng nhận được hai đề cử Oscar về mặt âm thanh.
Letters from Iwo Jima (2006): Phần thứ hai trong loạt phim về cuộc chiến đảo Iwo Jima ra mắt sau Flags of Our Father đúng hai tháng, nhưng lần này Clint Eastwood lại khai thác câu chuyện qua góc nhìn của quân đội Nhật Bản. Nhân vật chính là chỉ huy Tadamichi Kuribayashi (Ken Watanabe), vị tướng đã dũng cảm lãnh đạo đội binh của ông chống lại quân đội Mỹ trong lúc nhiều sĩ quan Nhật khác đã thoái lui. Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Letters from Iwo Jima giành được nhiều sự ưu ái hơn từ giới phê bình với một tượng vàng Oscar cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Phim cũng đạt được doanh thu xấp xỉ 70 triệu USD, so với mức chi phí sản xuất chỉ là 19 triệu USD.
The Hurt Locker (2008): Không hùng tráng và ngập tràn kỹ xảo, The Hurt Locker kể về những chiến công thầm lặng của ba sĩ quan thuộc Đội gỡ mìn, cũng như những hiểm nguy ngoài ý muốn mà họ gặp phải tại chiến trường Iraq. Điều thú vị là bộ phim ra mắt rất hợp với tình hình thời sự ngoài đời thực, trong lúc cuộc chiến giữa Mỹ và Iraq đang ở giai đoạn căng thẳng nhất, nên nó nhận được sự quan tâm nhiệt liệt từ Viện hàn lâm cũng như khán giả đại chúng. Cuối cùng, The Hurt Locker nhận được sáu tượng vàng Oscar 2010, trong đó có hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất.
Inglourious Basterds (2009): Những ai đã quen thuộc với phong cách làm phim “tưng tửng” của đạo diễn Quentin Tarantino ban đầu hẳn rất ngạc nhiên khi ông chọn đề tài chiến tranh nghiêm túc để khai thác. Tuy nhiên, Inglourious Basterds vẫn đảm bảo chất “điên” quen thuộc của ông, với kịch bản tràn ngập hành động, những câu thoại lê thê nhưng không thừa thãi và mang hơi hướm hư cấu chứ không bám sát lịch sử. Đặc biệt, vai phản diện Hans Landa do Christoph Waltz thủ vai còn giành được tượng vàng Oscar tại hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất một cách hoàn toàn thuyết phục.
War Horse (2011): Là “con át chủ bài” của đạo diễn bậc thầy Steven Spielberg tại mùa giải thưởng điện ảnh 2011-2012, War Horse nhận được sáu đề cử Oscar, hai giải Quả cầu vàng cùng nhiều giải thưởng điện ảnh khác. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về chàng trai trẻ Albert Narracott và quyết tâm gia nhập đội kỵ binh Anh của cậu, sau khi con ngựa bầu bạn thuở ấu thơ của Albert bị bán đi để phục vụ cho Thế chiến Thứ I. Ngoài một kịch bản đầy cảm xúc, phim còn hấp dẫn bởi sự quy tụ của nhiều diễn viên mới nổi khi đó như Tom Hiddleston, Benedict Cumberbatch, đồng thời giúp diễn viên vô danh Jeremy Irvine lọt vào “mắt xanh” của giới truyền thông.
Lone Survivor (2013): Dựa trên quyển ký sự cùng tên do hai tác giả Marcus Luttrell và Patrick Robinson chắp bút, phim kể lại chiến dịch tàn khốc Red Wings nhằm săn lùng một thủ lĩnh phiến quân Taliban tại chiến trường Afghanistan. Sau một thời gian thất bại với sự nghiệp, diễn xuất của vai chính Mark Wahlberg lại được các nhà phê bình đánh giá cao, và bản thân phim cũng thành công về mặt thương mại với doanh thu lên tới hơn 149 triệu USD.
Fury (2014): Mới nhất, tài tử Brad Pitt hóa thân thành thủ lĩnh Wardaddy của chiếc xe tăng Sherman trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ II. Nhận một nhiệm vụ nguy hiểm, chiếc xe tăng năm người của anh phải lao vào vùng chiến sự ác liệt nhất và bị bủa vây bởi những tên lính phát xít Đức ngoan cố. Ngay trong tuần đầu tiên ra mắt, phim dẫn đầu phòng vé Bắc Mỹ với doanh thu 23,5 triệu USD.
Vốn không phải điều tốt đẹp nhưng chiến tranh đã trở thành nỗi đau đầy day dứt trong lòng nhiều người. Nhưng qua ngôn ngữ điện ảnh, những cảnh đối đầu đầy máu lửa trở thành đề tài cuốn hút không thể bỏ qua. Trên đây là 10 bộ phim chiến tranh được yêu thích và dù chưa thể hiện được sự chân thực nhất nhưng vẫn chạm tới góc sâu trong tâm hồn người xem.